Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương
Các trang báo
Tỉnh ủy
UBND các xã, phường thị xã Hương Thủy
Tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm
Ngày cập nhật 27/01/2021

Thực hiện Chỉ thị số 44/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; nhằm chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón năm mới và Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, ngày 19/1/2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số 2/CT-UBND, theo đó yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Sở Công Thương

a) Triển khai thống nhất, đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Chỉ thị số 15/CT-BCT ngày 30/10/2020 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế:

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thị trường; rà soát, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết. Chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch dự trữ các mặt hàng thiết yếu để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân với giá cả hợp lý và chất lượng đảm bảo, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây sốt giá trong dịp Tết Nguyên đán.

- Tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ động tập trung nguồn lực để dự trữ và lưu thông hàng hóa phục vụ Lễ, Tết đảm bảo chất lượng cung ứng kịp thời. Kết nối với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh, phân phối được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất phù hợp để dự trữ hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán.

- Phối hợp thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch, Chương trình hành động của ngành Công Thương về tăng cường, đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua việc gắn kết các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp chương trình bình ổn thị trường và chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa… nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho các đối tượng khó khăn, đối tượng có thu nhập trung bình và thấp.

- Chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra giám sát chặt chẽ cung ứng điện, xây dựng phương án dự phòng để đảm bảo đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; chú trọng công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ tại các nơi công cộng, khu công nghiệp, khu dân cư, khu vui chơi.

- Phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai công tác phòng chống dịch Covid tại các chợ, Trung tâm thương mại, siêu thị trong thời gian nhu cầu tăng cao, tập trung đông người.

2. Sở Tài chính

Tăng cường quản lý, điều hành và bình ổn  giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 để chủ động kiểm soát ổn định thị trường giá cả, tránh để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội theo Chỉ thị số 06/CT-BTC ngày 21/12/2020 cuả Bộ Tài chính, cụ thể là:

a) Theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường trước, trong và sau Tết, đặc biệt, đối với những hàng hóa, dịch vụ đáp ứng trực tiếp nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân trên địa bàn kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định; đề xuất kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia theo quy định cho người dân vùng gặp thiên tai, cứu đói cho dân trong thời kỳ giáp hạt và trong dịp Tết theo đúng đối tượng nhằm đảm bảo an sinh xã hội.

b) Chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn, nhất là đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu nhu giá cước vận tải, nông sản thực phẩm, trông giữ xe... xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, lợi dụng dịp lễ, tết, cao điểm để tăng giá cước vận tải ở mức cao bất hợp lý, các trường hợp đưa tin thất thiệt gây bất ổn thị trường, giá cả. Phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm, triệt để, có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, chống thất thu, gian lận thuế, giảm nợ đọng thuế; tập trung quản lý chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm, đúng chế độ.

c) Phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị liên quan, căn cứ điều kiện thực tế, khả năng cân đối ngân sách địa phương và nguồn lực tài chính hợp pháp khác của địa phương, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Chương trình bình ổn thị trường phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

d) Phối hợp với các sở, ban, ngành giám sát chặt chẽ việc kê khai giá của doanh nghiệp; kiểm soát chặt yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán đối với các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách Nhà nước, hàng dự trữ quốc gia, hàng hóa dịch vụ công ích… Từ đó, có biện pháp xử lý kịp thời tình trạng tăng giá cục bộ, tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng cùng một thời điểm, nhất là dịp trước và sau Tết. 

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chủ động theo dõi tình hình thời tiết, thiên tai; có các phương án phòng, chống thiên tai, dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, bảo đảm ổn định sản xuất, đặc biệt là phòng, chống dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi tại các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ; kịp thời ứng phó với rét đậm, rét hại; hỗ trợ kịp thời giống cây trồng, vật nuôi, vắc xin, hóa chất sát trùng, thuốc bảo vệ thực vật theo quy định cho các địa phương để nhanh chóng phục hồi sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường, ổn định đời sống cho nhân dân.

b) Rà soát, có kế hoạch cụ thể bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm nhất là thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn trước, trong và sau Tết, tránh tình trạng thiếu hàng, sốt giá; có kịch bản, giải pháp ổn định giá cả, cung cầu các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021.

c) Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới. Theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh để kịp thời có phương án bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường, đặc biệt là không để dịch tả lợn Châu phi bùng phát trở lại.

d) Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản tuân thủ các quy định bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; hướng dẫn người dân nhận biết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm đã được kiểm soát và chứng nhận an toàn thực phẩm.

đ) Tăng cường kiểm tra các công trình thủy lợi, hồ chứa; có kế hoạch bảo đảm nguồn nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2020-2021. Chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng và nghiêm túc thực hiện phương án quản lý bảo vệ rừng trước, trong và sau Tết Nguyên đán, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

4. Sở Giao thông vận tải

 a) Tăng cường điều tiết, tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng người dân không được về quê ăn Tết do không có tàu, xe; tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải, giá vé tàu, vé xe theo quy định; có biện pháp phòng chống hữu hiệu, không để xảy ra tình trạng ép khách, nâng giá, xe chở quá người quy định, xử lý nghiệm các sai phạm; tổ chức vận chuyển hàng hóa thông suốt trong dịp Tết, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

b) Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng, an toàn kỹ thuật các phương tiện tham gia giao thông; có biện pháp ngăn chặn việc vận chuyển trái phép hàng cháy nổ, hàng nguy hiểm, các sản phẩm, gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc và không có chứng nhận kiểm dịch y tế trên các phương tiện vận tải.

c) Đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông và khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; tăng cường các điều kiện để bảo đảm cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố.

d) Phối hợp với các cơ quan truyền thông, tăng cường tuyên truyền các quy định pháp luật về an toàn giao thông; thông báo công khai về Kế hoạch phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội; công khai số điện thoại đường dây nóng của cơ quan, đơn vị trong ngành giao thông vận tải có liên quan để tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh của người dân.

5. Sở Lao động Thương binh và Xã hội

a) Rà soát, nắm tình hình đời sống, thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người có công và các đối tượng chính sách; quan tâm, hỗ trợ kịp thời đối với người có công, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở các vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ... Phối hợp huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng, đúng chế độ, tránh trùng lắp.

b) Theo dõi, nắm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, có biện pháp phù hợp bảo đảm đủ lực lượng lao động cho doanh nghiệp sau kỳ nghỉ Tết. Tăng cường các biện pháp bảo đảm chế độ cho người lao động, an toàn lao động. Chủ động xây dựng các giải pháp phòng ngừa, xử lý những tranh chấp lao động có thể xảy ra trong dịp Tết.

c) Tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bảo đảm tất cả trẻ em đều được đón Tết vui tươi, đầm ấm: tăng cường công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trong dịp Tết Nguyên đán; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn, tiết kiệm cho người dân.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Chỉ đạo các cơ quan truyền thông tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời các chủ trương chính sách của Nhà nước, quy định về sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, thị trường, nguồn cung, giá thực phẩm, các mặt hàng bình ổn phục vụ người dân trong dịp Tết cũng như thông tin về phòng chống dịch Covid-19, tích cực cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh; tăng cường thông tin tuyên truyền về các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân, không khí vui xuân, đón Tết của nhân dân trên mọi miền của đất nước, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ; chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch của các loại đối tượng.

b) Kiểm soát hoạt động khai thác các dịch vụ bưu chính, phối hợp kịp thời với các đơn vị chức năng trong việc ngăn chặn các hành vi vận chuyển hàng lậu, hàng cấm. Triển khai các biện pháp tăng cường quản lý thông tin thuê bao, giá cước, chất lượng dịch vụ, khuyến mại; ngăn chặn thông tin xấu, độc trên mạng; chủ động phát hiện, ngăn chặn các hành vi lợi dụng các hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến để gửi, phát tán điện tín có nội dung trái pháp luật; tổ chức các phương án bảo vệ an toàn thông tin liên tục và internet đáp ứng tối đa nhu cầu thông tin liên lạc của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong dịp Tết. Thiết lập hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, bưu chính bảo đảm nhanh chóng, chính xác và tuyệt đối an toàn thông tin liên lạc phục vụ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

7. Sở Y tế

a) Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết; phối hợp tổ chức hiệu quả công tác kiểm tra liên ngành, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng; lấy mẫu, xét nghiệm các thực phẩm nhập khẩu để xác định, đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

b) Tăng cường phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông - Xuân. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo, quy định trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm tuyệt đối an toàn các hoạt động lễ hội, tập trung đông người, có phương án, kịch bản đáp ứng phòng, chống dịch bệnh, thực hiện phương châm 4 tại chỗ khi dịch bệnh xảy ra. Chủ động giám sát, phát hiện các tác nhân gây bệnh và xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan. Cập nhật phác đồ điều trị, dự trữ thuốc, vật tư, thiết bị y tế chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Thực hiện nghiêm các quy trình về quản lý nhập cảnh, kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu. Rà soát, kiểm tra chặt chẽ giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 đối với tất cả các trường hợp là chuyên gia nhập cảnh, du học sinh, Việt kiều trở về nước.

c) Tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh, chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế ứng trực 24/24 giờ; dự trữ đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, trang thiết bị, hóa chất, phương tiện đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, đặc biệt kịp thời xử lý các trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc,... Duy trì tổ chức, thực hiện nghiêm các quy trình về sàng lọc, phân loại, phân luồng; đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện; tiếp tục mở rộng xét nghiệm cho các đối tượng nghi ngờ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống Covid-19 trong bệnh viện.

d) Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm, nhất là về chất lượng thuốc, thuốc giả, thuốc không được phép lưu hành. 

8. Sở Văn hóa và Thể thao

a) Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội trong và sau Tết Nguyên đán theo quy định bảo đảm vui tươi, lành mạnh phù hợp với thuần phong, mỹ tục và phong tục, tập quán của từng địa phương.

b) Tổ chức, hướng dẫn nhân dân tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí theo thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đảm bảo người dân đón Tết vui tươi, lành mạnh.

9. Sở Du lịch

a) Chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch, khu du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và khách du lịch chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

b) Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch, tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch và phương tiện phục vụ khách du lịch, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm.

10. Công an tỉnh

a) Triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ đề ra tại Chỉ thị 22/CT-UBND ngày 08/12/2020 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, bảo đảm an toàn tuyệt đối Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

b) Bố trí lực lượng, phương tiện bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu công trình trọng điểm, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và các điểm tổ chức sự kiện, lễ hội; kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng dịp Tết để thực hiện các hoạt động khủng bố phá hoại.

c) Triển khai có hiệu quả cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, triệt phá các đường dây mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy, tội phạm hình sự nghiêm trọng, cướp giật, tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm tổ chức đánh bạc và các tụ điểm tệ nạn xã hội phức tạp. Đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép, lừa đảo trong kinh doanh đa cấp, chuyển nhượng đất đai, sử dụng công nghệ để lừa đảo, vi phạm pháp luật về thuế, buôn lậu, gian lận thương mại, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm.

d) Tăng cường phòng, chống mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ, pháo nổ; xử lý nghiêm các vi phạm về sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và đốt pháo nổ trái phép; chỉ đạo kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy, chấn chỉnh điều kiện về phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu dân cư và khu vực tập trung đông người, bảo đảm lực lượng, phương tiện tổ chức chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn kịp thời, hiệu quả.

đ) Tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo đảm an toàn giao thông, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ.

e) Tiếp tục thực hiện các phương án phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới theo nhiệm vụ được giao; tăng cường công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý cư trú của công dân và người nước ngoài.

11. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh

a) Tăng cường theo dõi sát tình hình, chủ động có các biện pháp ngăn chặn các âm mưu, ứng phó kịp thời các tình huống đột xuất, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, giữ vững độc lập chủ quyền biên giới, lãnh thổ.

b) Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan thực hiện tuần tra, kiểm soát, đấu tranh phòng chống tội phạm nhất là ma túy, buôn lậu; kiên quyết ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới, cửa khẩu, cảng biển; chủ động, tích cực tham gia và bảo đảm an toàn trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.

12. Cục Quản lý thị trường tỉnh, cơ quan Thường trực BCĐ 389/TTH

a) Triển khai thực hiện Kế hoạch số 17/KH-TCQLTT ngày 24/11/ 2020 của Tổng cục Quản lý thị trường về Cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm 2020 và trước, trong, sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; Kế hoạch 268/KH-389 ngày 28/2/2020 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thừa Thiên Huế.

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra thị trường, qua đó phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi buôn bán, vận chuyển, giao nhận, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hoá vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.

c) Tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của hàng hoá đang bày bán; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tạo sự khan hiếm giả tạo, lợi dụng thiên tai, dịch bệnh và các điều kiện bất thường khác để tăng giá bán, định giá bán bất hợp lý nhằm thu lợi bất chính.

13. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế

a) Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và thiên tai; bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh trong dịp cuối năm và đầu năm mới.

b) Chỉ đạo các chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn: bảo đảm việc cung ứng dịch vụ thanh toán, hệ thống ATM/POS hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt; tăng cường các hoạt động thanh toán phục vụ sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩutổ chức các dịch vụ ngoại hối, thu đổi ngoại tệ phục vụ khách du lịch; tăng cường lực lượng bảo vệ đảm bảo an ninh, an toàn tại các kho tiền, điểm giao dịch của ngân hàng, các máy ATM.

c) Tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng đủ tiền mặt cho nền kinh tế, bảo đảm nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh trong dịp cuối năm và đầu năm; bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ; tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết; tổ chức các dịch vụ ngoại hối, thu đổi ngoại tệ phục vụ khách du lịch; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.

14. Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế

a) Thực hiện nghiêm việc không dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà đối với các lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp; không sử dụng phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, Lễ hội,... Dành thời gian đi thăm hỏi các gia đình chính sách, các hộ nghèo, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương đối với người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và kỷ luật, kỷ cương hành chính.

b) Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay sau những ngày nghỉ Tết, đặc biệt là những việc tồn đọng do nghỉ Tết, những việc liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và Nhân dân. Không tổ chức du xuân, liên hoan, chúc Tết làm ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả của công việc. Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ

c) Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Công điện số 1711/CĐ-TTg  ngày 07/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội xuân 2021.

d) Thực hiện chỉ đạo của các Bộ, ngành chủ quản, khẩn trương triển khai những nhiệm vụ cần thiết theo Chỉ thị số 44/CT-TTg ngày 21/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

đ) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thông tin tuyên truyền và kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại các chợ, điểm mua bán, siêu thị,… trên địa bàn. Thường xuyên theo dõi diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về đầu cơ, lợi dụng nhu cầu tăng cao trong dịp Lễ, Tết để tăng giá, thu lợi bất chính.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế, các đơn vị liên quan triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

Tập tin đính kèm:
www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.004
Truy cập hiện tại 23